Công an huyện Mường Lát bám dân ở thượng nguồn sông Mã

0 nhận xét

Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Mường Lát đã tổ chức hai đợt xuống các bản làng, trường học để làm CMND. Sau đó, Công an phụ trách xã sẽ đem chứng minh nhân dân xuống đưa tận tay bà con. Việc cán bộ Công an đến tận nơi làm CMND tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, đặc biệt là để các cháu học sinh không bị thiếu CMND, ảnh hưởng đến việc thi cử.

Ngược dòng sông Mã, chiếc xe U oát đưa chúng tôi vượt lên hết đỉnh dốc này đến đỉnh dốc khác trong cái nắng chang chang và rát bỏng của gió Lào. Vượt qua chặng đường 250km, bị dần nhừ xương bởi những ổ gà, ổ… voi, chúng tôi được đặt chân đến cổng trời, được ngắm sự hùng vĩ của dãy núi Sài Khao trong câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” của nhà thơ Quang Dũng và mục sở thị cuộc sống cắm bản của các chiến sỹ Công an huyện miền núi giáp biên Mường Lát.

Thân thiện ở trụ sở

Thiên nhiên đẹp, hùng vĩ và khắc nghiệt, đó là cảm nhận của hầu hết thành viên trong đoàn phóng viên, quay phim đến từ Hà Nội. Trong suốt hành trình thâm nhập thực tế để tác nghiệp, chúng tôi thường xuyên gặp các em bé người Mông, người Thái trên lưng đeo gùi lũn cũn đi sau những con trâu, con bò, đàn dê… Còn hình ảnh người mẹ địu con thơ mới vài tháng tuổi, đầu đứa bé lơ thơ tóc đi giữa cái nắng hè oi ả mà cả mẹ, lẫn con đều đầu trần cũng không hiếm gặp. Trên lưng mẹ, các bé khi ngủ vùi, khi thức giấc. Có bé mỉm cười toe toét khi chúng tôi trò chuyện bằng các động tác ú òa, đùa nựng như với mọi trẻ em khác ở thành phố. Chống chọi với thiên nhiên ngay từ lúc mới lọt lòng cũng là cách thích nghi, chinh phục tự nhiên. Đôi chân của những đứa trẻ này ngày một vững vàng và quen dần với việc trèo đèo, lội suối đi học, đi làm nương, đi chăn thả gia súc. Lớn lên, rất nhiều trẻ em người Mông, người Thái, người Dao, người Khơ Mú cư trú ở Mường Lát lại bồng súng bảo vệ biên cương, bảo vệ nền ANTT của Tổ quốc.

Các chiến sỹ Công an huyện Mường Lát thăm hỏi nhân dân tại địa bàn.

Tại buổi đọc báo lúc 6h30′ ngày 8/6 tại trụ sở Công an huyện Mường Lát, tôi có dịp gặp gỡ với đa số cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mường Lát và thấy sự tính đa dạng trong các thành phần dân tộc chính ở đơn vị này. Trong bộ quân phục của ngành, các đồng chí Công an là người Mông, người Thái, người Mường, người Kinh… sôi nổi bàn tán về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, đặc biệt là vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo ANTT.

Nhìn qua các đầu báo, tôi thấy ngoài báo Nhân dân, báo Thanh Hóa, Công an huyện không thiếu số Báo CAND nào. Thấy các chiến sỹ Công an ở nơi xa xôi, hiểm trở đọc và coi tờ báo ngành là món ăn tinh thần không thể thiếu, là phóng viên Báo CAND, tôi rất xúc động và tự hào. Mà không chỉ có báo viết, cán bộ, chiến sỹ của Công an huyện thường xuyên vào mạng Internet để cập nhật thông tin, tra cứu, giải trí nữa.

7h sáng 8/6, tôi gặp anh Sùng A Sua, người Mông vừa từ bản Loóng, xã Tam Chung đến Công an huyện. Anh Sua cho biết, anh đến để lấy đăng ký xe máy. Anh mới mua lại một chiếc xe máy Wave cũ, giá 7,5 triệu đồng làm phương tiện đi lại. Được trưởng bản, cán bộ xã, đặc biệt là anh Công an phụ trách xã hướng dẫn lên Công an huyện làm lại đăng ký để ghi tên mình là chủ xe, cách đây gần một tuần anh đi làm. “Hôm nay, tôi lên để lấy đăng ký đem về”, anh Sua nói.

Nghe anh Sua trình bày, cán bộ trực tiếp dân lập tức liên hệ với Đội CSGT – CSTT. Trong lúc chờ đợi, anh Sua lại nói chuyện bằng tiếng Mông với mấy đồng chí Gia Văn Sinh, cũng là người Mông. Chúng tôi cảm thấy giữa họ có sự thân thiện, quý mến lẫn nhau chứ không có khoảng cách của người thực thi pháp luật và công dân.

Cũng tại phòng tiếp dân, chúng tôi gặp thân nhân của phạm nhân Thao Văn Pó, người vừa bị TAND huyện xét xử về tội “Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy”. Mặc dù đường xa, nhưng khi nghe tin Pó được di lý từ Trại tạm giam Công an tỉnh (ở TP Thanh Hóa) về Mường Lát để tòa xử án, họ đã đến Công an huyện đề nghị được thăm. Để tạo điều kiện cho bà con đã lặn lội qua cả chục km đường rừng, các đồng chí Công an huyện cho phép họ gặp Pó. Cuộc gặp diễn ra rất xúc động trong một căn phòng nhỏ. Quây xung quanh Pó là những người phụ nữ Mông vận những bộ váy sặc sỡ đặc trưng. Pó khóc, vợ và các chị họ anh ta cũng khóc. Mặc dù không hiểu tiếng Mông nhưng nhìn cảnh ngồi quây quần, vỗ về nhau của họ, tôi cũng thấy được tình nghĩa vợ chồng, ruột thịt thắm thiết.

Trong những thứ đồ ăn mà người thân đem đến, tôi thấy Pó cứ giữ chặt túi mận. Pó bị bắt tạm giam khi mận chưa ra hoa, bây giờ anh ta lại ăn những quả mận hái từ vườn nhà thì làm sao không cảm động cho được. Với mức án 7 năm tù giam, đi lại vất vả, người thân đi thăm Pó ở trại giam là rất khó thực hiện nên việc Công an huyện tạo điều kiện cho họ thăm gặp, động viên nhau là rất cần thiết.

Gần gũi khi xuống bản

Chứng kiến sự thân thiện, tận tình giữa các chiến sỹ Công an với bà con tại trụ sở Công an huyện, chúng tôi thấy rõ tinh thần vì nhân dân phục vụ của các anh. Trao đổi với Đại tá Lê Thành Nghị, Trưởng Công an huyện, chúng tôi còn biết rằng, để tạo điều kiện cho bà con, đặc biệt là các cháu học sinh, từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã tổ chức hai đợt xuống các bản làng, trường học để làm chứng minh nhân dân. Sau đó, Công an phụ trách xã sẽ đem chứng minh nhân dân xuống đưa tận tay bà con. Mặc dù đường sá xa xôi, có những nơi phải đi bộ nhưng việc cán bộ Công an đến tận nơi làm chứng minh nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, đặc biệt là để các cháu học sinh không bị thiếu chứng minh nhân dân, ảnh hưởng đến việc thi cử.

Theo chân đồng chí Gia Văn Sinh, Công an phụ trách xã Pù Nhi xuống bản, chúng tôi còn thấy rằng, việc bám bản luôn được cán bộ, chiến sỹ Công an huyện thực hiện rất tốt. Không chỉ người lớn, các cháu bé đều nhận ra và gọi đúng tên chú Sinh. Khi cùng đồng chí Lê Quang Hiền, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy xuống bản Poóng, xã Tam Chung trên đường đi tôi thấy không ít lần anh dừng lại trò chuyện với người quen. Cán bộ Công an đi đến đâu, người dân nhận ra đến đây và giữa họ trò chuyện rất cởi mở, thân tình. Nếu không bám địa bàn, không gần gũi với bà con thì rất khó có được điều này.

Cách đây vài năm, bản Poọng là một địa bàn phức tạp về ma túy do số lượng người nghiện lớn. Hiện này dù chỉ còn 2 đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy nhưng đây vẫn là nơi cần quan tâm đặc biệt bởi bản Poọng là địa điểm điển hình về hậu quả tàn phá của ma túy. “Cơn bão” ma túy đã kéo theo đại dịch HIV/AIDS về bản. Nhiều thanh niên, đàn ông khỏe mạnh do sử dụng ma túy, dùng chung bơm kim tiêm đã làm lây lan virus HIV. Từ họ, lây sang vợ. Nhiều người phụ nữ vô tội mắc bệnh, chết, để lại những đứa con thơ dại. Đến bản Poọng, chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, chúng tôi càng thấy rõ tác hại của ma túy và những hệ lụy đi theo nó. Là một địa bàn đặc biệt như vậy nên các chiến sỹ của Đội Cảnh sát phòng chống ma túy không thể không quan tâm, theo dõi.

Đi thực tế ở các bản làng ở huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi thấy rất rõ hiệu quả của mô hình xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT. Đây là chủ trương lớn của UBND tỉnh Thanh Hóa được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh và lực lượng Công an làm nòng cốt. Vượt qua những khó khăn về địa hình, thành phần dân cư, tập tục… mô hình này được Công an huyện triển khai đến từng bản. Mỗi xã đều có Ban chỉ đạo về ANTT do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, đồng chí Trưởng Công an xã làm phó ban. Tại các bản có Ban Bảo vệ ANTT gồm 3 thành viên nòng cốt là Công an viên; Bí thư Chi đoàn; một người do dân bản bầu. Nhiệm vụ của Ban Bảo vệ ANTT bản là tuần tra ban đêm, giải quyết các vấn đề trong phạm vi cho phép ngay tại khu dân cư.

Ngoài ra, tại một số bản còn thành lập các tổ An ninh xã hội, tổ này từ 10 hộ gia đình có cùng đặc điểm như: cùng họ, cùng địa bàn cư trú… Tại mỗi xã đều có một Công an phụ trách xã bám địa bàn để kịp thời giải quyết các vấn đề người dân yêu cầu hoặc báo cáo cấp trên xử lý. Công an phụ trách xã cũng là lực lượng gắn bó thường xuyên với cấp ủy, chính quyền. Xây dựng vững chắc thế trận ANTT ngay tại cơ sở đã giúp cơ quan Công an trong việc nắm tình hình, đảm bảo tốt TTATXH trên địa bàn.

Hưởng ứng cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, Công an huyện Mường Lát tiếp tục bám bản, bám địa bàn, giải quyết tốt các vấn đề về ANTT. Ngoài ra, bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ, lối sống của người dân bản địa để có cách ứng xử, giao tiếp đúng mực. Đồng thời, thông qua cuộc vận động này để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sỹ có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm điều lệnh CAND.


(Theo www.phamminhchinh.com)

Leave a Reply