Kỳ 5: Dấu chân các vị tướng
Các vị tướng, những “kiến trúc sư”, “tổng công trình sư” với tầm nhìn chiến lược đã nghĩ gì, làm gì trên con đường này? Những câu chuyện dưới đây phần nào giúp bạn đọc thấy được sự chỉ đạo vĩ mô nhưng cũng đầy sâu sát trách nhiệm của các tướng lĩnh quân đội trước con đường chiến lược, cũng là trách nhiệm lớn lao vì sự trường tồn và phát triển của đất nước…
Khi Đại tướng đi “nhờ xe”
Tháng 3 năm 2008, những cung đường tuần tra biên giới mới mở ở tỉnh Sơn La vấp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà sau này Thiếu tướng Hoàng Kiền đã viết thành thơ: “Đường biên giới tỉnh Sơn La/ Triển khai xây dựng thật là gian nan/ Mênh mông rừng núi bạt ngàn/ Vùng biên trùng điệp địa bàn xa xôi/ Khởi công năm dự án rồi/ Hai trăm cây số bao nơi đợi chờ/ Người, xe ngồi, đứng ngẩn ngơ/ Đền bù giải phóng bao giờ mới xong?”. Nơi đây, bản làng, nương rẫy lại bám theo sườn núi nên ở Chiềng Khương, Sông Mã, khi bộ đội mở đường, đất trượt theo ta-luy rơi vào mương, lập tức đồng bào ra lập rào chắn không cho thi công. Ở xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu, đường đi vào nơi tỉnh lập quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên nhưng huyện lại cấp sổ đỏ cho dân. Vướng mắc cứ thế chồng chéo. Ban quản lý dự án 47, Bộ Tổng tham mưu đã nhiều lần phối hợp với địa phương mà chưa xử lý xong, đành báo cáo Bộ Quốc phòng can thiệp và… chờ đợi. Một ngày đầu tháng 3, chuông điện thoại trên bàn Thiếu tướng Hoàng Kiền bỗng réo vang. Đầu dây, một cán bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng cho hay, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ trực tiếp lên kiểm tra tuyến đường và làm việc với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc!
Tin bất ngờ làm Thiếu tướng Hoàng Kiền xúc động. Đây quả thực là một sự quan tâm lớn của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đúng vào thời điểm tuyến đường đang gặp nhiều khó khăn bộn bề nhất.
Một ngày giữa tháng 3-2008, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có mặt tại Sơn La. Trước khi có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, Đại tướng yêu cầu được đi thăm và kiểm tra một số gói thầu đường tuần tra biên giới. Anh em tham mưu muốn đề xuất để Bộ trưởng tới thăm một số gói thầu làm tốt nhất nhưng thật bất ngờ, Đại tướng chỉ đạo rõ ràng: Cho đi thăm tuyến nào khó khăn nhất, phức tạp nhất. Chấp hành mệnh lệnh, nơi được chọn để Đại tướng tới kiểm tra là gói thầu ở bản Pu Hao, thuộc xã Mường Lạc, huyện Sốp Cộp do Công ty Tây Bắc thi công, nằm sát biên giới nước bạn Lào. Những chiếc xe dã chiến lắc lư bò qua đoạn đường vắt vẻo trên đỉnh núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Rất nhiều đoạn cua tay áo gấp khúc, nếu xe quay ngang hoặc trượt bánh, không biết điều gì sẽ xảy ra. Ngồi trên xe, Đại tướng chăm chú quan sát, tranh thủ hỏi về tình hình con đường. Nghe báo cáo trên đoạn đường này cũng là nơi có chiến sĩ đầu tiên hy sinh, là lái xe của công ty Tây Bắc (Quân khu 2), Đại tướng lặng đi như nén một nỗi niềm trăn trở…
Kết thúc cuộc kiểm tra, đồng chí lái xe của Bộ trưởng lập tức gặp lãnh đạo Ban quản lý dự án 47, tỏ ý không hài lòng:
- Tại sao tuyến đường nguy hiểm như thế này mà các đồng chí lại chọn để Bộ trưởng đi kiểm tra. Sao không chọn tuyến dễ đi hơn?
Mắt thấy tai nghe tuyến đường nên khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La, những kiến nghị của Bộ trưởng đã giúp bí thư, chủ tịch tỉnh hiểu sâu hơn nhiều điều, khai thông nhiều bế tắc. Không dừng lại ở chỗ xử lý vướng mắc mặt bằng, đồng chí Thào Xuân Sùng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La còn giãi bày với Bộ trưởng những khó khăn trong phát triển giao thông của tỉnh. Như tuyến đường ở xã Xuân Nha, cho dù có dự án nước ngoài rót vốn mấy năm nay nhưng vốn “nhỏ giọt” quá, vẫn bế tắc. Đại tướng lắng nghe, rồi đưa ra quyết định: Bổ sung tuyến Xuân Nha vào dự án đường tuần tra biên giới. Cuộc họp kết thúc trong tiếng vỗ tay rộn rã và những nụ cười, cái bắt tay ấm áp tình quân dân. Sau này, những khó khăn trên tuyến Sơn La đã từng bước được tháo gỡ…
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Sơn La năm 2008.
Đoàn xe bon bon ngược Quốc lộ 6 về Hà Nội. Xe vừa ra đầu thành phố, bỗng chiếc xe chở Bộ trưởng phanh “két”. Đại tướng bước xuống xe, vẫy tay yêu cầu xe của Thiếu tướng Hoàng Kiền dừng lại, thân mật bảo:
- Cho tôi đi “nhờ” xe các đồng chí được chứ?
Nói rồi, ông nhanh nhẹn bước lên, lệnh cho đoàn xe tiếp tục đi. Ngồi trên xe, Đại tướng nói: “Họp hành, hội nghị nhiều thì cũng chỉ nghe các anh báo cáo được 15-20 phút là cùng. Mà đây lại là con đường chiến lược, quan trọng lắm. Từ giờ về đến Hà Nội, còn mấy tiếng đồng hồ, tôi muốn tranh thủ nghe báo cáo kỹ nhất, thật nhất, cả những gì làm được và chưa làm được…”.
Được lời như cởi tấm lòng, suốt mấy tiếng đồng hồ, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có dịp báo cáo với Bộ trưởng về con đường. Bộ trưởng lắng nghe và đặt ra rất nhiều câu hỏi “tại sao”. Có lần ông gọi riêng Thiếu tướng Hoàng Kiền trao đổi, căn dặn phải điều hành cho thật tốt, vì con đường là danh dự, là uy tín của quân đội trước Chính phủ, trước nhân dân. Sau này, Đại tướng còn trực tiếp đến thăm, kiểm tra tuyến đường đầu tiên hoàn thành tại ngã ba biên giới ở Kon Tum và đã có rất nhiều quyết sách, chủ trương mới được Bộ trưởng ban hành, giúp con đường đẩy nhanh tiến độ. Với các cán bộ Ban quản lý dự án 47, chuyến xe “đi nhờ” của Đại tướng thực sự là một kỷ niệm sâu sắc về sự quan tâm, tác phong sâu sát của người lãnh đạo cao nhất của quân đội ta.
Những người “định hướng”
Năm 2004, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng đường tuần tra biên giới ở khu vực đi qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập, có nhiều gỗ quý nên đồng chí lãnh đạo vườn quốc gia chưa đồng thuận. Đồng chí này đưa ra rất nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ rừng, về thu hồi đất, bồi thường rừng… Đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó dẫn đầu làm việc mất nhiều thời gian mà vẫn chưa thuyết phục được đồng chí cán bộ nọ. Thuyết phục, phân tích hồi lâu chưa kết quả, Thượng tướng Phan Trung Kiên đứng lên, đối thoại thẳng thắn:
- Quân đội làm đường tuần tra cũng không muốn phá rừng. Yêu cầu nhiệm vụ đang cấp bách, không có luật nào cao hơn… “luật bảo vệ Tổ quốc”. Nếu đồng chí không đồng ý thì đồng chí “ký vào đây” một chữ để chúng tôi về báo cáo Bộ Quốc phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ!
Trước lời phát biểu kiên quyết của Thượng tướng Phan Trung Kiên, đồng chí lãnh đạo vườn quốc gia đã hiểu ra. Từ chỗ “vướng nhiều luật”, Bình Phước trở thành địa phương có cơ chế, thủ tục thông thoáng, giúp triển khai các dự án nhanh chóng và hiệu quả.
Trong số ảnh tư liệu mà Ban Quản lý dự án 47 lưu giữ được, còn có hình ảnh xúc động về cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng trong một lần kiểm tra, đã tỷ mỉ đo đếm, dùng tay bốc xi măng kiểm tra để nhắc nhở anh em bảo đảm độ bền vững của con đường. Sự có mặt sâu sát của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đã giúp đưa ra lời giải kịp thời một bài toán quan trọng: Xác lập tiêu chuẩn đường bê tông xi măng cho con đường sao cho đúng định hướng của Thủ tướng “bền, tốt, rẻ” trong khi chính các bộ ngành chức năng còn chưa đề ra được tiêu chuẩn quốc gia.
Trung tướng Phạm Hồng Lợi (ngồi ngoài cùng bên phải) chỉ huy đối chiếu thiết kế đường tuần tra biên giới với thực địa trên đỉnh Phu Vai Lai Leng.
Còn Trung tướng Phạm Hồng Lợi, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, vào bộ đội từ tuổi thiếu niên, từng qua nhiều chiến trường; 37 tuổi đã là cán bộ sư đoàn, 9 năm làm Phó tổng Tham mưu trưởng, phụ trách công tác tác chiến, ông thuộc biên giới như lòng bàn tay. Tuy nhiên, ông cũng lại là người cực kỳ “hiện đại”, đi đâu cũng luôn kè kè chiếc máy định vị GPS. Ông thận trọng từng ly, từng mét để làm đường sao cho đúng biên giới, vừa không lạm vào đất bạn, dù chỉ một ly, lại vừa giữ đúng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Chiếc máy ảnh, máy quay phim cũng là người bạn thường trực bên ông để ghi lại những tư liệu xác đáng cho việc hoạch định con đường. Đúng như bài thơ Thiếu tướng Hoàng Kiền viết về ông: “Bản đồ tác chiến đường biên/ Vệ tinh định vị anh liền chỉnh ngay/ Kiểm tra chỉ đạo tháng ngày/ Khó khăn, vướng mắc giải ngay kịp thời/ Đường tuần tra đến mọi nơi/ Bước chân anh Lợi sáng ngời rừng xanh”.
Thiếu tướng Phạm Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) cũng từng cùng Thiếu tướng Hoàng Kiền đi kiểm tra các đoạn đường đang thi công ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Trong đó có lần ở Sơn La, hai vị tướng đã phải ngồi xe ôm của mấy thanh niên dân tộc thiểu số, “nhảy chồm chồm” đi vào công trường thuộc huyện Sông Mã (Sơn La) trước sự ngạc nhiên của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở địa phương.
Giờ đây, Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó tổng Tham mưu trưởng, người kế nhiệm Trung tướng Phạm Hồng Lợi cũng lại là người từng kinh qua chiến đấu, nhiều năm lăn lộn với chiến trường khu 5 và cũng là con người của công việc, luôn sâu sát. Có lần đi kiểm tra ở Tây Nguyên, ông yêu cầu đoàn cho đi từ 4 giờ sáng, một ngày hành trình kéo dài tới 700 cây số để kịp cuộc họp hôm sau. Là người lính đi đánh giặc từ tuổi 12, lại nhiều năm làm Tư lệnh Quân khu 5, ông rất hiểu Trường Sơn. Mỗi lần đi kiểm tra, ông cố lội bộ vào những nơi gian khổ nhất, động viên anh em cố gắng. Có lần, ông dừng rất lâu thắp hương trên những ngôi mộ gió của anh em mở đường hy sinh trên tuyến Kon Tum, mắt nhòe lệ. Có lẽ, ông đồng cảm với nỗi đau mất mát này bởi trong lòng ông cho đến bây giờ vẫn còn có một nỗi đau giày xé mấy chục năm qua. Người cha thân yêu của ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Nam suốt mấy chục năm trời mà vẫn chưa biết yên nghỉ nơi nào…
PV.
(Theo website Phạm Minh Chính)