Nước Anh đang bí mật phát triển một chương trình vũ khí mạng giúp các bộ trưởng nước này có khả năng tấn công chống lại mối đe dọa an ninh quốc gia từ không gian ảo. Theo tiết lộ của giới quan chức chính phủ, nước Anh cần có một số lựa chọn tấn công mới mà không chỉ lo củng cố phòng thủ cho các cơ quan chính quyền nhạy cảm nhất thường xuyên là nạn nhân của bọn tin tặc.
Tướng Nick Harvey cho biết: “Hành động trong không gian ảo là một phần trong chiến trường tương lai”, và dù tuyên bố vũ khí mạng sẽ không thay thế được vũ khí truyền thống, song ông cũng thừa nhận nó là “phần không thể thiếu trong kho vũ khí quốc gia”. Đây là thừa nhận đầu tiên của Anh về sự tồn tại của chương trình vũ khí mạng.
Về việc vũ khí này được sử dụng khi nào và sẽ trừng phạt ai, Nick Harvey chỉ tiết lộ: “Chúng tôi cần được trang bị đầy đủ mọi khả năng và đó là những gì mà chúng tôi đang cố gắng phát triển. Hoàn cảnh và cách thức mà vũ khí mạng được sử dụng cũng không khác bất kỳ thứ vũ khí nào khác”.
Mặc dù đặc điểm của loại vũ khí mạng được phát triển này còn trong vòng tuyệt mật, nhưng người ta tin rằng Anh và Trung tâm Các chiến dịch an ninh mạng ở Trung tâm Kiểm soát viễn thông (GCHQ) phụ trách nhiệm vụ. Mới đây, Bộ Quốc phòng Anh đã chỉ định tướng Jonathan Shaw lãnh đạo một đơn vị tiến hành chiến dịch mạng phòng thủ. Mặc dù tướng Shaw không có kiến thức đủ về IT (công nghệ thông tin) nhưng kinh nghiệm của một người chỉ huy trung đoàn lính dù cũng rất có ích.
Jonathan Shaw gọi không gian ảo là “xung đột không biên giới”. Mức độ nguy hiểm mà virus máy tính gây ra là vô cùng trầm trọng như trường hợp đã xảy ra vào năm ngoái với virus Stuxnet, đã đánh sập chương trình làm giàu uranium của Iran. Chính quyền Iran buộc tội người Israel và Mỹ là thủ phạm thiết kế và triển khai Stuxnet khiến cho một số thiết bị ly tâm rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Giới chuyên gia mô tả virus Stuxnet là quá phức tạp và tiên tiến về mặt kỹ thuật đến mức chưa từng thấy trong quá khứ.
Mặc dù quan chức Chính phủ Anh phủ nhận bất cứ sự liên quan nào đến việc triển khai virus Stuxnet, nhưng sự khám phá ra nó cũng làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng phòng thủ mạng của nước này. Chiến lược an ninh quốc gia Anh trong năm 2010 đã có một phần ưu tiên quan trọng cho an ninh mạng và dành thêm 650 triệu bảng Anh cho Chương trình An ninh và phòng thủ chiến lược (SDSR).
Theo Nick Harvey, các mạng kỹ thuật số hiện nay là “trái tim của mọi hệ thống giao thông, năng lượng và truyền thông”: “Hậu quả của cuộc tấn công được lên kế hoạch cẩn thận và triển khai tốt nhằm vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật số của chúng ta là thảm họa thật sự… Vũ khí hạt nhân hay sinh học đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhưng với không gian ảo thì bất cứ ai, từ quốc gia đến một sinh viên bình thường, cũng có thể bấm phím để thực hiện cuộc tấn công”. Mặc dù không cho biết cụ thể mối đe dọa trong tương lai sẽ đến từ đâu, song Harvey cũng cảnh báo rằng Trung Quốc hiện đang nỗ lực phát triển “các công nghệ và quân sự hiện đại”.
Trong một hội nghị về an ninh ở Munich tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng William Hague cho biết, Bộ Ngoại giao Anh đã chống lại một cuộc tấn công mạng vào tháng trước đó từ “một cơ quan tình báo của quốc gia thù địch”. Tuy nhiên, một số nguồn lúc đó tin rằng cuộc tấn công xuất phát từ cộng đồng tình báo Trung Quốc.
Trong diễn văn ở Munich, Ngoại trưởng William Hague kêu gọi cần có một hiệp ước với “những quy định chấp nhận được” về cách hành xử của các quốc gia trong lĩnh vực không gian ảo. Mới đây, tướng Graeme Lamb, cựu Giám đốc Các lực lượng đặc biệt Anh, khẳng định, SDSR vẫn chưa có đủ hành động cần thiết đối với những điểm yếu tiềm tàng của nước Anh và cần có sự triệt để hơn.
Theo truyền thống, Bộ Ngoại giao Anh đã giữ vai trò lãnh đạo về an ninh mạng cùng với Neil Thompson, một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu nước này và hiện quản lý Cơ quan An ninh mạng và Bảo hiểm thông tin. Hàng ngày, Neil Thompson đều tiếp xúc với Howard Schmidt, chuyên gia an ninh mạng của Mỹ được Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ định sau khi ông tuyên bố không gian ảo là ưu tiên chiến lược của Nhà Trắng.
Khó khăn cho GCHQ cũng như một số cơ quan quan tâm đến an ninh mạng là phạm vi của nó rất rộng, bao gồm từ tội phạm lừa đảo cho đến khủng bố. Iain Lobban, Giám đốc GCHQ, cho biết, hơn 20.000 e-mail hiểm độc được tìm thấy trong các mạng của chính quyền Anh mỗi tháng, và 1.000 trong số chúng nhằm vào mục tiêu đặc biệt.
500 chuyên gia làm việc trong tổng hành dinh của GCHQ thường xuyên cố vấn cho Chính phủ Anh về những đe dọa và biện pháp đối với tấn công mạng.
Các chuyên gia ở GCHQ, Bộ Quốc phòng Anh cũng như số chuyên gia phân tích độc lập đều đồng ý rằng virus Stuxnet cực kỳ phức tạp, có lẽ được một nhóm người nào đó phải mất nhiều năm để phát triển và virus đã mở mắt cho mỗi chính quyền về khả năng phá hoại của nó ghê gớm đến chừng nào. Bởi vì Stuxnet được thiết kế với mục đích rõ ràng là phá vỡ hệ thống kiểm soát 9.000 thiết bị ly tâm của Iran được sử dụng để làm giàu uranium.
Ilias Chantzos, Giám đốc Symantec, một trong những công ty an ninh mạng hàng đầu thế giới, tin rằng Stuxnet buộc mọi chính quyền trên thế giới phải đánh giá lại “cách mà họ hiểu về những mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng nhạy cảm và an ninh quốc gia”.
PV.
(Theo website Phạm Minh Chính)